Bài 11: Các mô hình 3 nến trong Price Action thường gặp
Các mô hình 3 nến trong Price Action thường gặp
Ở trong bài học trước chúng ta đã được học đầy đủ về các mẫu hình 2 nến rồi và trong bài này chúng ta tiếp tục đi đến với các mô hình 3 nến.
Nếu các bạn chưa nắm kỹ về cấu trúc của một cây nến nhật thì hãy đọc kỹ bài học Nến Nhật là gì? cấu tạo của nến Nhật để chúng ta thuận tiện trong nghiên cứu bài học này cũng như là hiểu phần giải nghĩa cấu tạo của các mô hình ba nến dưới đây.
Nội dung bài viết [Ẩn]
- 1 Mẫu hình 3 nến: Evening Star
- 2 Mô hình 3 nến: Morning Star
- 3 Three White Soldiers
- 4 Mô hình 3 nến: Three Black Crows
- 5 Mô hình 3 nến: Tri-Star
- 6 Upside Gap Two Crows
- 7 Downside Gap Two Rabbits
- 8 Upside Gap Tasuki
- 9 Downside Gap Tasuki
- 10 Three Outside Up
- 11 Three Outside Down
- 12 Three Inside Up
- 13 Three Inside Down
- 14 Lời kết bài học mô hình 3 nến Price Action
Mẫu hình 3 nến: Evening Star
Mẫu hình nến Evening Star là một mẫu hình ba nến cho tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm, trong đó cấu tạo cụ thể của mẫu hình này sẽ bao gồm:
- Cây nến đầu tiên là cây nến tăng với thân nến tương đối lớn, thể hiện cho giá trong xu hướng tăng vẫn còn đang mạnh và chưa có dấu hiệu dùng lại ở cây nến này.
- Cây nến thứ hai là cây nến đóng vai trò 50% trong mẫu hình này đó là một cây nến nhỏ và không quan trọng thân nến là tăng hay giảm, chủ yếu nó phải là một cây nến nhỏ hoặc có thể là nến Doji thì càng tốt. Cây nến này thể hiện rằng lực mua đã bị yếu đi và xu hướng tăng không còn mạnh như trước mà đã có dấu hiệu chững lại.
- Cây nến thứ 3 là một cây nến mang tính quyết định đến mẫu hình này và chắc chắn là nó phải một cây nến giảm mạnh. Cây nến này có vai trò xác nhận rằng bên mua đã thực sự yếu thế và chuyển quyền kiểm soát thị trường cho bên bán.
Yêu cầu của cây nến thứ ba này là nên có giá đóng cửa ở mức dưới 50% thân nến thứ nhất, như vậy thì sẽ đảm bảo được tín hiệu bán đáng tin cậy và mạnh mẽ hơn.
Theo như mô hình nến Evening Star chuẩn thì nó còn yêu cầu rằng cây nến thứ hai phải có một khoảng nhảy Gap lên so với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất, nhưng điều này chỉ xảy ra dễ dàng ở thị trường chứng khoán còn với thị trường Forex thì ít khi có sự nhảy Gap nên ta không cần quan trọng về yêu cầu này.
Sau đây sẽ là một ví dụ về mẫu hình ba nến Evening Star
Chúng ta chú ý là mẫu hình nến Evening Star này gặp rất nhiều và thường xuyên trong biểu đồ giá cho nên khi xuất hiện mẫu hình này ở các vị trí quan trọng thì rất có thể là một tín hiệu đáng tin cậy để chúng ta vào lệnh.
Mô hình 3 nến: Morning Star
Mẫu hình nến Morning Star thì ngược lại với mẫu hình Evening Star, sở dĩ nó có tên gọi là Morning Star bởi vì cây nến đầu tiên là cây nến giảm như một màn đêm và cây nến ở giữa là một ngôi sao trong đêm, cây nến thứ ba là nến tăng và được coi như ban ngày trời sáng.
Vì vậy mà chúng ta gọi tên một cách hình tượng đó là mô hình nến Morning Star hay còn gọi là sao mai. Còn mẫu hình Evening Star được gọi là sao hôm.
Cấu tạo cụ thể của mẫu hình Morning Star như sau:
- Nến đầu tiên phải là một cây nến giảm tương đối mạnh, có thân nến tương đối dài để thể hiện rằng xu hướng giảm giá đang tiếp tục và chưa có dấu hiệu dừng lại.
- Cây nên thứ hai là một nến nhỏ và ta gọi đó giống như một ngôi sao. Cây nến này không quan trọng thân nến là tăng hay giảm và nó có thể là nến Doji, điểm quan trọng của cây nến này là có thân nhỏ để thể hiện rằng bên bán đã yếu thế và không còn khiến cho thị trường giảm mạnh được nữa. Ta có thể chờ đợi một tín hiệu xác nhận để có thể vào lệnh mua.
- Cây nến thứ ba chính là cây nến mà chúng ta mong đợi nhất, đây phải là một cây nến tăng giá để là tín hiệu xác nhận rằng bên mua đã chiếm được ưu thế so với bên bán, rất có thể sau đó là một xu hướng tăng bắt đầu. Mô hình chuẩn nhất đó là cây nến thứ ba này phải có giá đóng cửa trên 50% thân nến thứ nhất.
Tương tự như với mẫu hình Evening Star thì mẫu hình Morning Star cũng yêu cầu cây nến nhỏ thứ hai phải có khoảng nhảy gap xuống so với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. Nhưng chúng ta không cần quan trọng yêu cầu này và nó có thể có giá mở cửa bằng với giá đóng cửa của cây nến đầu tiên.
Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mẫu hình nến Morning Star
Mẫu hình Morning Star rất hay gặp trong biểu đồ giá ở các vị trí đảo chiều xu hướng cho nên nếu như bạn theo dõi thị trường mà thấy được mẫu hình này thì chúng ta nên xem xét thêm một vài yếu tố hỗ trợ nữa nhằm củng cố chắc chắn hơn cho tín hiệu vào lệnh với mẫu hình Morning Star.
Three White Soldiers
Mẫu hình Three White Soldiers hay còn gọi tên tiếng Việt là mẫu hình 3 người lính ngự lâm. Đây là mẫu hình cho tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng khá chính xác và chúng ta có thể quan sát rất nhiều vị trí đảo chiều xu hướng được bắt đầu từ mẫu hình Three White Soldiers.
Yêu cầu hình thành lên mẫu hình mau hinh Three White Soldiers đó là có 3 cây nến liên tiếp nhau phải là nến tăng giá, trong đó cây nến sau có giá mở cửa cao hơn giá mở cửa của cây nến trước và giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của cây nến trước. Nó giống như tạo thành một cái bậc thang đi lên vậy.
Sau đây sẽ là một ví dụ về mẫu hình Three White Soldiers trong thực tế
Có thể nói rằng mẫu hình Three White Soldiers xuất hiện rất nhiều trong những biểu đồ giá thực tế và nó là một tín hiệu mạnh để bạn giao dịch đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng hoặc có thể giao dịch theo dạng tiếp diễn khi mà con sóng đang tăng thì hình thành lên một vài cây nến giảm và sau đó là 3 cây nến tăng liên tiếp trong mẫu hình Three White Soldiers.
Một điều lưu ý quan trọng khi giao dịch với mẫu hình Three White Soldiers đó là ba cây nến tăng nên là cây nến không quá lớn, điều này không thể chuẩn hoá là lớn bao nhiêu mà chúng ta cần có sự so sánh tương quan với các cây nến khác trong cùng một biểu đồ giá.
Tại sao cần có ba cây nến không quá lớn? Bởi vì nếu như ba cây nến tăng quá lớn thì dường như sóng tăng đã dồn hết lực vào ba cây nến đầu tiên này rồi và khi chúng ta vào lệnh thì có thể là thời điểm mà sóng tăng đó đã chuẩn bị giảm điều chỉnh.
Còn với ba nến tăng mà có độ lớn vừa phải thì nó vẫn như là một tín hiệu bắt đầu cho một con sóng tăng chứa chưa phải giá đã đi quá xa, khi đó chúng ta giao dịch mới là hợp lý.
Mô hình 3 nến: Three Black Crows
Mẫu hình Three Black Crows là một mẫu hình ngược lại với mẫu hình Three White Soldiers khi nó có ba cây nến giảm liên tiếp ở trong mẫu hình.
Three Black Crows báo hiệu một sự đảo chiều hoặc tiếp tục một con sóng giảm. Đây cũng là mẫu hình nến Price Action xuất hiện cực kỳ nhiều trong thực tế và ta có thể chú ý giao dịch với mô hình giá này rất hiệu quả.
Yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với mẫu hình nến Three Black Crows như sau: Ba cây nến bắt buộc là 3 nến giảm và giá mở cửa của cây nến sau phải thấp hơn giá mở cửa của cây nến trước, giá đóng cửa của cây nến sau phải thấp hơn giá đóng cửa của cây nến trước.
Sau đây là ví dụ thực tế về mẫu hình Three Black Crows
Để giao dịch hiệu quả với mẫu hình Three Black Crows thì chúng ta lưu ý một vấn đề đó là ba cây nến trong mẫu hình không nên là những nến quá lớn mà chỉ nên là các cây nến tầm trung bình thôi.
Vì nếu như ba nến giảm quá lớn rồi thì có thể con sóng giảm đó đã dốc sức chạy hết quãng đường để rồi chuẩn bị nghỉ ngơi và không còn đi xa được nữa, nên khi đó mà chúng ta vào lệnh thì có thể đã quá trễ thậm chí là bị thua lỗ vì giá sau đó lại tăng.
Còn với ba nến có thân nhỏ thì nó lại giống như một bước lấy đà để chuẩn bị chạy nước rút vì vậy mà khi chúng ta vào lệnh sẽ hiệu quả và nhanh thu về lợi nhuận.
Mô hình 3 nến: Tri-Star
Mẫu hình Tri-star hay còn gọi là 3 ngôi sao là một mẫu hình cũng rất hay gặp trong các biểu đồ giá, cấu tạo của mẫu hình này cực kỳ đơn giản đó là có 3 cây nến liên tiếp là các cây nến với thân rất nhỏ hoặc lý tưởng nhất đó là nến Doji.
Các thân nến không quan trọng là nến tăng hay nến giảm mà quan trọng là thân của nó phải rất nhỏ. Mẫu hình này cũng không có yêu cầu về giá đóng cửa và mở cửa so với cây nến trước.
Đúng ra với mẫu hình nến Tri-star này thì phải có 5 cây nến bởi vì nó sẽ phân biệt thành hai mẫu hình cụ thể:
- Tri-star Tops: Là một mẫu hình cho tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm. Với mẫu hình này thì ta sẽ cần một cây nến tăng ở trước và một cây nến giảm ở sau để làm tín hiệu xác nhận.
- Tri-star Bottoms: Là mẫu hình cho ta tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng. Với mẫu hình này thì sẽ có thêm một cây nến giảm ở trước 3 cây nến và một cây nến tăng ở sau để làm tín hiệu xác nhận mẫu hình.
Sau đây là một ví dụ về mô hình nến Tri-star trong thực tế.
Mô hình nến Tri-star cũng là một tín hiệu giao dịch PA rất hay gặp và có tỷ lệ tín hiệu chính xác cao cho nên chúng ta hãy chú ý theo dõi và nắm bắt cơ hội với mẫu hình này.
Upside Gap Two Crows
Mẫu hình Upside Gap Two Crows là một mẫu hình tương đối hiếm gặp trong thị trường Forex nhưng có thể rất dễ gặp trong thị trường chứng khoán bởi vì nó có yêu cầu về các khoảng nhảy Gap về giá. Cụ thể về yêu cầu mẫu hình Upside Gap Two Crows này như sau:
- Cây nến đầu tiên là một cây nến tăng mạnh.
- Cây nến thứ hai là một cây nến giảm giá nhẹ nhưng đặc biệt phải thoả điều kiện đó là có một khoảng nhảy Gap lên so với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất.
Ngoài ra toàn thân nến thứ hai cũng phải ở trên thân nến đầu tiên, tức có nghĩa là giá đóng cửa của cây nến thứ hai cũng phải ở trên giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. - Cây nến thứ ba cũng là một cây nến giảm nhưng sẽ có yêu cầu đó là giá mở cửa của cây nến thứ ba phải có khoảng nhảy Gap lên so với giá đóng cửa của cây nến thứ hai và thậm chí là giá mở cửa của nến thứ ba phải cao hơn cả giá mở cửa của cây nến thứ hai.
Cuối cùng thì giá đóng cửa của cây nến thứ ba phải thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ hai. Có thể thấy yêu cầu thân nến thứ ba phải bao phủ hoàn toàn thân nến thứ hai. Cây nến thứ ba đây cũng chính là cây nến tín hiệu đẻ chúng ta có thể vào lệnh.
Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mẫu hình 3 nến Upside Gap Two Crows
Mẫu hình Upside Gap Two Crows dường như là rất khó có thể tìm thấy trong thị trường Forex nhưng lại dễ bắt gặp trong thị trường chứng khoán.
Ví dụ ở trên là một ví dụ rất chuẩn về mẫu hình Upside Gap Two Crows trong thực tế.Chúng ta có thể giải nghĩa về mẫu hình này như sau:
Khi thị trường vẫn còn đang trong một xu hướng tăng giá với cây nến tăng mạnh trước đó và cây nến sau thừa hưởng đà tăng giá đó thì đã có giá mở cửa nhảy Gap lên một khoảng.
Nhưng sau đó lại không phải là một cây nến tăng giá mà lại là một cây nến giảm nhẹ. Điều này chứng tỏ rằng bên bán đã nhập cuộc và bên mua không còn chiếm được ưu thế nữa.
Tuy nhiên mới chỉ là một cây nến giảm nhẹ thì chưa nói lên được điều gì mà chỉ đơn thuần cho ta tín hiệu về lực mua đã giảm đi và bên bán đã vào cuộc.
Đến cây nến thứ ba thì mọi thứ dường như đã rõ ràng hơn khi có một cây nến giảm mạnh hơn xác nhận. Mặc dù ban đầu vẫn có một lực mua mạnh đã đẩy giá nhảy Gap lên nhưng sau đó lực mua không thể chiếm ưu thế và đôi khi nó còn như một cái bẫy.
Khi hình thành nên cây nến giảm giá ở vị trí cây nến thứ ba này thì chúng ta đã có thể xem xét vào lệnh bán nếu như hội đủ thêm một vài yếu tố hỗ trợ nữa.
Downside Gap Two Rabbits
Đây là mẫu hình ngược lại so với mẫu hình Upside Gap Two Crows. Downside Gap Two Rabbits là mẫu hình cho tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng, Trong đó các điều kiện cụ thể để hình thành lên mẫu hình Downside Gap Two Rabbits như sau:
- Cây nến đầu tiên phải là cây nến giảm mạnh.
- Cây nến thứ hai là cây nến tăng nhẹ với điều kiện đó là có một khoảng nhảy Gap từ giá đóng cửa của cây nến đầu tiên so với giá mở cửa của cây nến thứ hai. Thêm vào đó là giá đóng cửa của cây nến thứ hai cũng không được đi vào vùng giá của thân cây nến đầu tiên, tức là thân nến thứ hai phải nằm dưới thân nến thứ nhất.
- Cây nến thứ ba tiếp tục sẽ là một cây nến tăng, trong đó giá mở cửa cũng sẽ phải có một khoảng nhảy Gap so với giá đóng cửa của cây nến thứ hai. Ngoài ra thì giá đóng cửa của cây nến thứ ba phải nằm trên giá đóng cửa của cây nến thứ hai.
Sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể về mẫu hình 3 nến Downside Gap Two Rabbits:
Mẫu hình Downside Gap Two Rabbits cũng rất khó gặp trong thị trường Forex mà thường xuất hiện trong thị trường chứng khoán hơn, nhất là thị trường chứng khoán quốc tế.
Để giải nghĩa cho mô hình nến Downside Gap Two Rabbits này chúng ta có thể hiểu như sau:
Nến đầu tiên thể hiện giá đang trong một quy trình giảm và với một thân nến tương đối lớn thì nó chưa có dấu hiệu dừng lại và vận chịu sự kiểm soát của bên bán.
Qua đến cây nến thứ hai thì ban đầu bên bán vẫn chiếm ưu thế và chịu sự quán tinh giảm giá của cây nến đầu tiên cho nên giá mở cửa có một khoảng nhảy Gap xuống dưới so với giá đóng cửa của cây nến đầu tiên.
Tuy nhiên sau đó nó lại không giảm và là một nến tăng và giá đóng cửa trên mức giá mở cửa. Khi này dường như bên bán đã bị yếu thế và chịu sự kiểm soát của bên mua.
Ở cây nến thứ hai thì ta vẫn chưa có gì chắc chắn nên chúng ta cần phải chờ đến cây nến thứ ba để có thể xác nhận tín hiệu.
Đến cây nến thứ ba tiếp tục là một nến tăng và có thân lớn hơn bao phủ toàn bộ thân nến tăng nhẹ trước đó. Điều này cho thấy rằng bên mua tiếp tục có dấu hiệu mạnh hơn và lúc này ta có thể xem xét vào lệnh với tín hiệu của mô hình Downside Gap Two Rabbits này.
Upside Gap Tasuki
Mẫu hình giá Upside Gap Tasuki là một mẫu hình không giống như các mẫu hình trước là tín hiệu đảo chiều thì mẫu hình giá Upside Gap Tasuki là một mô hình tiếp diễn, tức là nó đóng vai trò như bước điều chỉnh để tiếp tục một xu hướng. Điều kiện để hình thành lên mẫu hình này cụ thể như sau:
- Cây nến đầu tiên là một cây nến tăng giá mạnh.
- Cây nến thứ hai là một cây nến nhỏ với thân nến có thể tăng hoặc giảm không quan trọng nhưng điều quan trọng là phải có một khoảng nhảy Gap ở giá mở cửa của cây nến thứ hai so với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. Khoảng nhảy Gap về giá này đóng vai trò như là một ngưỡng hỗ trợ.
- Cây nến thứ ba là một cây nến giảm và nó phải có giá đóng cửa ở trong khoảng giá nhảy Gap của hay cây nến trước đó.
Ý nghĩa của việc này đó là thể hiện giá đang phản ứng với vùng hỗ trợ mà khoảng Gap tạo ra bởi như chúng ta biết rằng khoảng Gap chính là vùng hỗ trợ và kháng cự. Khi này thì chúng ta có thể có cơ sở để nhận định rằng giá đã hồi về để test lại khoảng Gap rồi sẽ tiếp tục tăng giá, sau đó nếu là một cây nến tăng thì chúng ta có thể vào lệnh.
Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mô hình giá Upside Gap Tasuki:
Mẫu hình này cũng gần như không thể gặp trong thị trường ngoại hối mà chỉ có ở thị trường chứng khoán khi các cây nến thường xuyên có khoảng nhảy gap.
Downside Gap Tasuki
Đây là mẫu mô hình giá tiếp diễn theo xu hướng giảm giá. Điều kiện để hình thành lên mẫu hình nến này đó là:
- Cây nến đầu tiên phải là một cây nến giảm giá mạnh.
- Cây nến thứ hai là một nến nhỏ và có thể là giảm giá hoặc tăng giá. Điểm quan trọng đó là nó có một khoảng nhảy Gap giữa giá đóng cửa của cây nến đầu tiên và giá mở cửa của cây nến thứ hai.
- Cây nến thứ ba phải là một cây nến tăng giá và có giá đóng cửa ở khoảng Gap được tạo ra trước đó giữa hai cây nến đầu tiên.
Khi mà cây nến thứ ba đóng cửa ở trong vùng Gap thì có nghĩa nó đang về vùng kháng cự và khi này chúng ta có thể chờ cây nến tiếp theo nếu là nến giảm thì có thể vào lệnh bán.
Ở ví dụ trên chúng ta thấy rằng cây nến thứ ba có đuôi nến trên dài và đóng cửa trong khoảng giá Gap và điều đó thể hiện rằng giá đang có sự phản ứng với ngưỡng kháng cự này. Ngay sau đó chúng ta thấy một cây nến giảm mạnh và coi như là một nến tín hiệu xác nhận thành công, chúng ta có thể vào lệnh tại vị trí cây nến này.
Three Outside Up
Three Outside Up là một mẫu hình nến đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng, điều kiện hình thành lên mẫu hình này cụ thể như sau:
- Cây nến đầu tiên là một cây nến giảm.
- Cây nến thứ hai là một cây nến tăng trong đó nó là một outside bar của cây nến thứ nhất.
- Cây nến thứ ba là một cây nến tăng tiếp tục
Về cơ bản thì mẫu hình này rất đơn giản, quan trọng nhất là có được cây nến Outside bar thứ hai, nến outside bar hiểu đơn giản là nó có vùng giá bao trọn toàn bộ vùng giá của cây nến đầu tiên, tức là giá cao nhất của nến thứ hai cao hơn giá cao nhất của nến thứ nhất, giá thấp nhất của nến thứ hai thấp hơn giá thấp nhất của nến thứ nhất.
Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mẫu hình Three Outside Up
Ở ví dụ trên thì sau cây nến giảm là một cây nến Outside Bar tăng mạnh, biểu hiện cho bên mua đã nhập cuộc và làm cho thị trường tăng giá, sau đó tiếp tục là một cây nến tăng để xác nhận chắc chắn hơn về khả năng tăng giá trong thời gian tới.
Theo mẫu hình chuẩn thì đúng ra cây nến tăng ở vị trí thứ 3 phải có thân nến nằm trên hoàn toàn so với thân nến thứ hai, nhưng điều kiện này không quan trọng và chúng ta không cần máy móc rập khuôn, miễn sao thân nến thứ 3 có giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của nến thứ 2 và giá mở cửa cao hơn giá mở cửa của cây nến thứ hai.
Three Outside Down
Mẫu hình giá Three Outside Down là mẫu hình cho tín hiệu đảo chiều xu hướng từ tăng thành giảm. Trong đó các điều kiện cụ thể để hình thành nên mẫu hình này như sau:
- Nến thứ nhất phải là một nến tăng giá.
- Nến thứ hai phải là một nến giảm giá và là nến outside bar của cây nến thứ nhất.
- Nến thứ ba là một cây nến giảm giá mà có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ hai, giá mở cửa thấp hơn giá mở cửa của cây nến thứ hai.
Dưới đây sẽ là một ví dụ cụ thể về mẫu hình Three Outside Down:
Ở ví dụ trên chúng ta thấy rằng khi giá đang trong một xu hướng tăng mạnh với rất nhiều cây nến tăng liên tiếp thì sau đó bất ngờ xuất hiện một cây nến giảm mạnh Outside bar, đó có thể coi là tín hiệu suy yếu của bên mua và bên bán đã chiếm lợi thế.
Chờ đến cây nến tiếp theo tiếp tục là một nến giảm nữa và có thể nói là nó đã củng cố vững chắc hơn về khả năng giảm của thị trường. Nếu có thêm một số yếu tố bổ trợ nữa thì chúng ta có thể xem xét vào lệnh tại vị trí này.
Three Inside Up
Mẫu hình Three Inside Up này cũng khá giống với mô hình giá Three Outside Up nhưng có điểm khác biệt đó chính là ở Inside và Outside.
Với mô hình giá Three Inside Up thì nó có cây nến thứ hai là nến Inside bar của nến thứ nhất. Cụ thể về điều kiện hình thành lên mẫu hình này như sau:
- Nến thứ nhất là một nến giảm mạnh
- Nến thứ hai là một nến Inside bar tăng
- Nến thứ ba là một nến tăng tiếp tục. Nến này cần thoả điều kiện là có giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của cây nến thứ hai và giá mở cửa cao hơn giá mở cửa của cây nến thứ hai.
Sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể trong thực tế về mẫu hình nến Three Inside Up:
Three Inside Down
Chúng ta đi đến mẫu hình cuối cùng trong bài học rất dài này. Mẫu hình cuối cùng này là Three Inside Down với điều kiện hình thành lên mẫu hình như sau:
- Nến đầu tiên là một nến tăng giá.
- Nến thứ hai là một nến giảm giá và là nến inside bar so với nến thứ nhất
- Nến thứ ba là một nến giảm giá và có điều kiện đơn giản là giá mở cửa của cây nến thấp hơn giá mở cửa của nến thứ hai. Giá đóng cửa của nến thứ ba thấp hơn giá đóng cửa của cây nến thứ hai.
Sau đây là một ví dụ cụ thể vè ô hình Three Inside Donw trong thực tế:
Lời kết bài học mô hình 3 nến Price Action
Như vậy là chúng ta đã đi qua hơn chục mẫu hình nến hay mô hình price action có cấu tạo từ 3 nến. Đây đều là các mẫu hình nến rất thường xuyên gặp và mang lại tỷ lệ thành công cao mà chúng ta nên học thuộc lòng và áp dụng nó vào trong giao dịch thực tế.
Các bạn hãy luyện tập thật kỹ theo dõi biểu đồ giá và phát hiện ra các mẫu hình nêu trên để sau này khi giao dịch thực tế sẽ không bỏ lỡ cơ hội khi các mẫu hình đó được hình thành.
Chúc các bạn thành công!